Nâng cao nhận thức cho trẻ về phòng chống tai nạn thương tích

NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO TRẺ VỀ PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH


      Tai nạn th​ương tích rất dễ xảy ra đối với trẻ nhỏ vì ở lứa tuổi các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Ngoài các vụ đuối nước, những hiểm họa do bỏng, điện giật, đứt tay chân từ vật sắc nhọn, té ngã, ngộ độc thực phẩm… cũng luôn rình rập trẻ nhỏ từ mọi phía do sự bất cẩn hoặc vô ý. Nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, trong chương trình giáo dục kỹ năng sống khóa hè năm 2022, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai đã tạo điều kiện cho các bạn nhỏ theo học các lớp bán trú được gặp gỡ và tiếp xúc với các cán bộ y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong buổi tập huấn ngày 23/6/2022. Thông qua hình thức đặt câu hỏi, nêu tình huống và xem phim hoạt hình, các bạn đã được cung cấp thêm những thông tin để nhận biết các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích và cách xử lý khi gặp phải những tai nạn thương tích không mong muốn.

Phong chong tai nan thuong tich1_2.jpg
Bác sỹ Bệnh viện Đa kh​oa Đồng Nai đang hướng dẫn các em thực hành

Em Lê Ngọc Khánh Vy, học lớp 4B, Nhà Thiếu nhi cho biết em đã được học kỹ năng xử lý vết thương, xử lý khi bị chảy máu, khi bị bỏng. Tuy chưa gặp phải những tình huống này, nhưng em tự tin rằng những điều đã học trong buổi tập huấn sẽ giúp em biết cách xử lý các vấn đề tai nạn thương tích nếu chẳng may gặp phải.

Còn em Nguyễn Huỳnh Trâm, lớp 4B rất hào hứng chia sẻ lại cách xử lý khi bị chảy máu cam mà em đã học được và em mong muốn mọi người đều có thể thực hiện được như em.  Riêng em Đặng Gia Phú, học sinh lớp 5B khẳng định, sau buổi tập huấn, em đã có một hiểu biết đúng đắn về cách xử lý khi chảy máu mũi so với trước đó. Em mong muốn mình sẽ được học hỏi thêm nhiều điều bổ ích từ các thầy cô.

         Đối với em Trần Diệu Tâm, lớp 4B bày tỏ ấn tượng đối với nội dung xử lý khi bị bỏng. Theo em, đây là nội dung rất thiết thực với em vì ở nhà em thường hay giúp mẹ nấu cơm, làm đồ ăn nên dễ gặp phải tình huống này.

Phong chong tai nan thuong tich2_2.jpg
Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đồn​g Nai trao đổi nội dung chuyên đề

Với vai trò là một người công tác trong ngành y tế, anh Hồ Chí Trung, bác sĩ chuyên khoa Cấp cứu bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ: Trong lứa tuổi tiểu học, các em rất năng động, luôn mong muốn tìm hiểu khám phá môi trường bên ngoài. Do đó, khi các hoạt động xảy ra nhiều hơn cùng với mong muốn thỏa mãn sự tò mò của trẻ nhỏ là những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bị tai nạn thương tích đối với trẻ. Điều quan trọng, chúng ta cần hiểu rằng chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn các loại tai nạn thương tích ra khỏi đời sống mà chỉ có thể hạn chế các tổn thương do tai nạn thương tích gây ra ở mức thấp nhất để các bạn ý thức được hậu quả việc làm của mình và từ đó rút ra bài học cho mình.

Người lớn như ba mẹ, người trông coi các em hay thầy cô giáo cần hiểu rằng đối với trẻ nhỏ, tai nạn thương tích là điều sẽ phải xảy ra, chỉ là ít hay nhiều và mức độ nghiêm trọng khác nhau như thế nào. Do đó khi rủi ro xảy ra, chúng ta mong muốn các bạn học được bài học bảo vệ bản thân, đồng thời các bạn nhỏ phải có kỹ năng để xử lý các vấn đề xảy ra. Các thầy cô giáo có thể kết hợp với nhân viên y tế hướng dẫn cho các em các kỹ năng xử lý cơ bản như kỹ năng cầm máu, xử lý vết thương, xử lý vết bỏng, vết côn trùng đốt hay xử lý khi bị chảy máu mũi. Đây là các kỹ năng cơ bản giúp các em bình tĩnh, tự tin giải quyết các tổn thương xảy ra do tai nạn thương tích và tiếp theo là các em cần sự trợ giúp của người lớn để các tổn thương không trở nên nghiêm trọng hơn.

Để khuyến khích các em hoạt động ngoài trời, anh Trung mong muốn sẽ có nhiều sân chơi chung bổ ích như mô hình hoạt động Nhà Thiếu nhi hay các lớp kỹ năng để các em có thể tích lũy dần những kỹ năng thông qua các hoạt động vui chơi, các trò chơi lồng ghép giúp các em dễ nhớ dễ hiểu, chủ động trong việc nâng cao nhận thức về các mối nguy hiểm, rủi ro và trưởng thành trong tương lai.  

        Đây là giai đoạn nghỉ hè, các em có thời gian rảnh nhiều hơn các em có cơ hội tham gia nhiều hoạt động, di chuyển nhiều do đó nguy cơ bị tai nạn thương tích cũng gia tăng. Các tai nạn như trầy xước, té ngã sẽ gia tăng là điều dễ hiểu. Thông qua chương trình này, với sự hỗ trợ tích cực từ các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, một phần giúp các em hiểu được và có ý thức phòng chống tai nạn thương tích cho chính bản thân của các em./.


Nguyễ​n Linh​


Hình ảnh hoạt động

Lượt truy cập