​Về chiến khu

​Về chiến khu

Tôi về lại chiến khu D trong một ngày nắng như đổ lửa trên đầu, hơi nóng ẩm của đất bốc lên như báo hiệu một mùa mưa sắp sửa. Đó là chuyến tham quan di tích trong chương trình thực tế cho các em học sinh nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3) và 60 năm thành lập Chiến khu D (1961 – 2021). 

Trong khi đoàn người lục tục xuống xe, tìm nơi rửa mặt, nghỉ ngơi, tôi đi bộ dưới những tán cây, nhìn ánh nắng xiên qua vạt rừng, tranh thủ lấy một chỗ đậu mình xuống đất. Những chiếc lá xanh hắt ánh bạc chói chang trong mắt và sự tĩnh lặng nơi góc rừng khiến cho không gian như đặc quánh lại. Tiếng radio phát ra từ chiếc võng của người bảo vệ mắc nơi gốc cây dầu ngay gác trạm khiến tôi nhớ một vài thước phim thời chiến rời rạc nào đó. 

Lũ trẻ xếp thành từng hàng đều đặn rồi nối đuôi nhau đi theo cô hướng dẫn viên để nghe thuyết minh về khu di tích lịch sử nổi tiếng ở vùng đất miền Đông này. Tôi tụt lại phía sau đoàn người, lững thững đếm bước chân mình trên đất. Tôi đã đến đây một vài lần, có khi vào giữa mùa mưa, đường bết bùn đất đỏ, và tiếng lộp độp vang dậy trên những chiếc lá, như tấu khúc nhạc rừng. Mưa xuyên qua rừng dày, đến vai tôi chỉ còn là những giọt nhẹ như sương, làm ẩm lớp áo choàng. Mưa làm cho không khí khi đó thêm buồn bã và ảm đạm, không nắng inh ỏi như bây giờ. Cái nắng làm người ta phải khó chịu, chau mày và choáng hết tầm nhìn xa. Tôi bước giữa đám lá khô xào xạc, nhưng không còn bụi đường bám đỏ gót giày. Mới đây, con lộ nhỏ chạy trong khu di tích đã được cán nhựa êm ru, không còn lo mùa mưa đất bùn nhão giữ rịt bước chân. Tôi nghe trong lòng có chút mất mát, vì lỡ thương bụi đỏ quá bám chân người.

“Chiến khu đất đỏ, chiến khu đau, chiến khu đói…” người ta nói nhiều về những tính từ rất gọn ghẽ biểu trưng cho một thời kỳ chiến tranh gian khổ đã qua. Nhưng có ai hình dung được hết những cuộc đời máu đỏ đã nằm lại dưới cánh rừng xanh um này. Thuyết minh viên vẫn nhiệt tình kể cho lũ trẻ nghe những câu chuyện về tiếng hát Quốc ca giữa rừng vắng; về chiếc bếp không khói được sinh ra từ tài trí của anh nuôi Hoàng Cầm; về mái lá trung quân che nắng mưa và bom dội, về những hố bom đã khoét thành vết thương giữa rừng… Nhưng không ai kể hết nổi những gương mặt đã chìm sâu vào lòng đất, những mái đầu xanh đã hiến trọn sức sống cho nền hòa bình hiện tại; cũng không ai tả nổi gương mặt mòn mỏi của những người mẹ già nơi hậu phương trông đợi hòa bình, không phải vì tiếng thơm dân tộc với trang sử vàng; mà vì những đứa con xa sẽ trở về; cuốc lại vườn rau, dựng lại mái nhà. Chiến tranh đã vùi chôn vào cánh rừng này không chỉ sinh mạng mà còn là những hy vọng đẹp đẽ của người mẹ, người vợ, người chị, người em,… những con người nuôi nấng và gìn giữ thanh bình bằng những ước mơ giản dị. 

Những nghĩ suy miên man kéo tôi trôi tuột vào thế giới của riêng mình. Thuở bé, đọc biết bao cuốn sách, xem biết bao phim ảnh về chiến tranh, những Cánh đồng hoang, Ngã ba Đồng Lộc, Dòng sông phẳng lặng,… xúc động vì những thước phim sống động, chân thực về chiến tranh, cái chết nhưng chưa thể nào hiểu hết nỗi bi hùng của một đoạn lịch sử đã qua. Có những sự thật, có những cảm xúc mà điện ảnh hay bất kỳ loại ngôn ngữ nào cũng khó mà chuyển tải được hết. Và cũng có cả những câu chuyện chẳng có trang giấy nào viết lại, chỉ có những ký ức được nhắc lại trong đôi mắt hấp háy của người mẹ Việt Nam, của những bức chân dung đã xỉn màu khuất sau làn khói hương hay cả những tấm bia không có nổi một dòng tên tuổi của người nằm xuống. 

Về chiến khu D giữa một trưa nắng đầu hè, đoàn người cúi đầu nghe một khúc Hồn Tử Sĩ, nối đuôi nhau theo dòng hương khói, thắp nén nhang tạ ơn rồi lặng lẽ rời đi, trả lại rừng xanh sự tĩnh lặng vốn có, nay đã là nơi nương náu của những anh linh vì nước. 

Chiếc xe lại tiếp tục lắc lư trên con đường đất đỏ, xuyên giữa những hàng cây vươn thẳng tắp lên trời.  Bên cạnh tôi, đứa bé đã gục gặc ngủ quên. 

Có tiếng chim rừng đâu đó vọng lại, xa xa./. 

 Họ và tên: Lã Thị Hồng Thuấn (BD: Lã Hoài Mai)

CLB, đội nhóm: CLB sáng tác Văn học Nhà Thiếu nhi Đồng Nai 

Hình ảnh hoạt động

Lượt truy cập