Nhà Thiếu nhi Đồng Nai đi đầu trong chuyển đổi số

NHÀ THIẾU NHI ĐỒNG NAI ĐI ĐẦU TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ​


      Đại hội XIII của Đảng đã xác định khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược, trong đó thanh niên giữ vai trò nòng cốt, xung kích trên hành trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số đã mở ra cơ hội để tuổi trẻ Việt Nam tiên phong sáng tạo, tạo nên những dấu ấn đột phá trong kỷ nguyên số. Trong đó, tổ chức Đoàn không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng hoạt động, kết nối đoàn viên, lan tỏa phong trào thanh niên. Trong bài phát biểu mới đây tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là "Phương tiện quan trọng" để đạt tới mục đích. Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật. Xác định điều này, thời gian qua, Tỉnh đoàn Đồng Nai đã có những đột phá, đổi mới trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào các hoạt động đoàn. Trong đó, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai được xem là đơn vị đi đầu, tiên phong cho phong trào này. Với cách làm hay, sáng tạo và đổi mới không ngừng trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động mà Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai đã tạo được tiếng vang trở thành nơi ươm mầm và là người bạn không thể thiếu cho thanh thiếu nhi tỉnh nhà.

     Kỳ 1: TỪ CUỘC THI SÁNG TÁC TRUYỆN TRANH, THÔNG ĐIỆP TRUYỀN THÔNG BẰNG AI​

      “ Chúng ta phải coi KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, đây chính là chìa khoá vàng, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu. Đồng thời cũng là hiện thực hoá khát vọng hùng cường,thịnh vượng của dân tộc ta. Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là chìa khoá đưa chúng ta tiến xa hơn để hiện thực hoá khát vọng và phát triển” Trên đây là phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa diễn ra cách đây không lâu.

      Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và được xem như cánh cửa mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của đất nước. Và trong hành trình này, đoàn viên thanh niên – lực lượng trẻ năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết đã và đang đóng vai trò tiên phong, nắm bắt thời cơ chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng một Việt Nam hiện đại, phồn vinh. Nói về vấn đề này, Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khẳng định: Đặc tính của thanh niên chúng ta là các bạn có sức khoẻ, có trí tuệ, được sống, trưởng thành trong giai đoạn đất nước phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế. Do đó, cùng với nhiệt huyết, mong muốn cống hiến cho đất nước thì thanh niên ngày nay được trang bị kiến thức về khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Do đó, chúng tôi đánh giá rằng lực lượng thanh niên sẽ là lực lượng có nhiều điều kiện tham gia vào chuyển đổi số quốc gia

      Nhận thức rõ vai trò quan trọng ấy, thời gian qua, Tỉnh đoàn Đồng Nai nói chung, Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai nói riêng đã tích cực hưởng ứng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương.​

anh 1_2.jpg

Tỉnh đoàn thiết kế sổ tay thanh niên về cẩm nang chuyển đổi số dành cho người dân

      Tháng 10 năm 2024,  Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức Cuộc thi “Sáng tạo truyện tranh, video clip truyền thông bằng AI”. Hội thi đã thu hút gần 200 thí sinh là học sinh tiểu học và THCS từ các huyện Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Biên Hòa tham dự.  Sau vòng loại, các thí sinh xuất sắc đã bước vào vòng thuyết trình trực tiếp chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm dự thi của mình thông qua việc sử dụng các công cụ như Bing Image Creator, ChatGPT, Capcut… để truyền tải các thông điệp ý nghĩa với nội dung xoay quanh trường học, quê hương, đô thị thông minh và xã hội tương lai. Đồng thời có phần vấn đáp trực tiếp với các chuyên gia về AI hàng đầu tại Việt Nam. Cuộc thi đã mang đến sân chơi bổ ích cho các em học sinh, đồng thời giúp các em tiếp cận với công nghệ AI để ứng dụng cho việc học tập. Ông Võ Văn Trung - Phó Bí thư Tỉnh đoàn khẳng định: Việc cho các em học sinh tiếp cận với công nghệ AI trong xây dựng truyện tranh, video clip truyền thông là trao cho các bạn nhỏ cơ hội phát huy sở thích, sở trường, khơi dậy tinh thần sáng tạo; khuyến khích thiếu nhi tạo ra những sản phẩm sáng tạo của riêng mình là việc làm hết sức cần thiết, cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành và sự hướng dẫn, trợ giúp từ gia đình và giáo viên. Tôi đánh giá rất cao hoạt động này của Nhà Thiếu nhi tỉnh trong thời gian vừa qua.

      Riêng với các em học sinh tham gia thì cuộc thi đã mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ đồng thời khơi gợi niềm đam mê về công nghệ giúp các em hoà nhập với thế giới. Thí sinh Mai Nhã Phương, trường tiểu học Nguyễn Du, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai cho biết: Cuộc thi đã giúp con tiếp cận được công nghệ AI, trí tuệ nhận tạo. Khi biết đén cuộc thi này, Con đã học hỏi rất nhiều. Đây là cuộc thi rất bổ ich sẽ giúp cho con tư duy sáng tạo và giúp nhiều cho việc học tập sau này của chúng em.

anh 2_2.jpg
​Thí sinh Mai Nhã Phương, Trường Tiểu học Nguyễn Du tham gia cuộc thi

      Điều đáng nói là thông qua cuộc thi này, nhiều sản phẩm đã được ứng dụng vào thực tế. Các em học sinh đã xây dựng riêng kênh youtube của mình để đăng những sản phẩm sáng tạo bằng AI, một số tác phẩm đã được nhà trường đưa vào sử dụng. Điển hình như sản phẩm truyện tranh bằng tiếng Anh của em Võ Chính Diệu Minh - lớp 7 - Trường Song ngữ Lạc Hồng, TP. Biên Hoà. Sau khi dành giải A tại cuộc thi, tác phẩm của em đã được in ra thành sách, lưu hành nội bộ tại trường để các em học sinh tham khảo trong việc học tiếng Anh. Em Võ Chính Diệu Minh - lớp 7 - Trường Song ngữ Lạc Hồng cho biết: Con học AI ở trường và trường con có nhiều tiết học AI trên máy, trường đã hướng dẫn để con có thể làm cho nhân vật chuyển động. Con rất vui vì sản phẩm của mình được ứng dụng tại trường và giúp cho nhiều bạn học sinh khác trong học tập.

anh 3_2.jpg
Tác phẩm của em Võ Chính Diệu Minh - lớp 7 - Trường Song ngữ Lạc Hồng, TP. Biên Hoà đã được in ra thành sách, lưu hành nội bộ tại trường

       Đây chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động của Nhà Thiếu nhi Đồng Nai ứng dụng chuyển đổi số. Nhờ việc ứng dụng chuyển đổi số này mà các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh cũng đã tiếp cận, tham gia hầu hết các cuộc thi, chương trình mà Nhà Thiếu nhi Đồng Nai tổ chức. Nhà thiếu nhi tỉnh đã ứng dụng phần mềm trực tuyến, link trực tuyến để gởi bài thi nên các em học sinh dù ở bất kỳ đâu cũng có thể tham gia. Nói về điều này, anh Trương Hải Thi - Giám đốc Nhà Thiếu nhi Đồng Nai chia sẻ: Thời gian vừa qua, Nhà Thiếu nhi cũng đã ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cuộc thi như tìm hiểu lịch sử dân tộc, tìm hiểu pháp luật thông qua nhiều kỳ thi. Điểm nổi bật của các kỳ thi này là ứng dụng hiệu quả của Công nghệ thông tin để tổ chức các hội thi trực tuyến. Có nhiều em thí sinh tham gia trong đó có nhiều em ở vùng sâu vùng xa. Thông qua việc ứng dụng Công nghệ thông tin không chỉ giúp lan toả thông tin nhanh chóng, ý nghĩa việc tuyên truyền mà còn tạo ra sự tương tác rất tốt giữa thí sinh và Ban tổ chức cuộc thi.

      Rõ ràng, chuyển đổi số đã giúp kết nối và lan tỏa các hoạt động của Nhà Thiếu Nhi Đồng Nai đến nhiều đối tượng hơn thông qua nền tảng số, mạng xã hội và ứng dụng di động. Nhờ đó, các chương trình, sự kiện, cuộc thi có thể tiếp cận rộng rãi hơn, tạo điều kiện cho nhiều thiếu nhi tham gia hơn, kể cả ở những khu vực xa trung tâm.​

       Nhìn chung, chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho Nhà Thiếu Nhi Đồng Nai, giúp tối ưu hóa nguồn lực và mang lại trải nghiệm học tập phong phú hơn cho thanh thiếu nhi tỉnh nhà.

      KỲ 2:….. ĐẾN ĐẨY MẠNH VĂN HOÁ ĐỌC

      Đẩy mạnh văn hóa đọc cho các em thiếu nhi tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số, số hóa các tác phẩm văn học của thiếu nhi Đồng Nai bằng hình thức sách nói là một trong những nội dung trọng tâm mà Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai đã thực hiện trong những năm qua. Hiệu quả của cách làm mới này đã được phụ huynh, các em thiếu nhi đồng tình ủng hộ, Hội đồng Đội Trung ương công nhận.​

      Hơn 10 năm qua, Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò tỉnh Đồng Nai đã trở thành thương hiệu của Nhà Thiếu nhi, nơi ươm mầm những tài năng văn học trẻ. Không chỉ duy trì phong trào sáng tác, Nhà Thiếu nhi còn tiên phong trong việc chuyển đổi số, giúp các tác phẩm của các em đến gần hơn với công chúng thông qua sách nói và nền tảng số.

      Năm 2023, các tác phẩm tham gia trại sáng tác được chuyển thể thành sách nói và đăng tải trên các kênh truyền thông như trang thông tin điện tử, Facebook, YouTube… giúp phụ huynh và học sinh dễ dàng tiếp cận. Anh Trương Hải Thi – Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai cho biết: Qua hơn 10 kỳ trại đã xây dựng được mô hình phong trào sáng tác thơ, văn cho các em trong lứa tuổi học trò; thành lập và duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ “Bút trẻ” bổ sung lực lượng sáng tác văn học trẻ cho tỉnh Đồng Nai; mở rộng giao lưu Trại sáng tác với các đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, Đắk Lắk, Bến Tre; in và phát hành 5.000 cuốn đặc san thơ, văn tuổi học trò, 1.000 cuốn tập sáng tác thơ văn “Một thời áo trắng”, 500 tập sáng tác thơ, văn “Khi tôi dám mơ ước” giới thiệu trong cả nước.

anh 4_2.png
Sách nói “Cùng nhau đi lên – Thiếu nhi Đồng Nai thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”

       Có thể thấy, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai là một trong những đơn vị hiếm hoi duy trì được hoạt động Trại sáng tác và chuyển thể các tác phẩm thành sách nói dành cho lứa tuổi học trò hàng năm. Điều này đã được các em học sinh và phụ huynh đón nhận nhiệt tình. Chị Nguyễn Thị Linh Nhâm nhà ở phường Quyết Thắng - Phụ huynh đưa con đi học tại Nhà Thiếu nhi và thường xuyên nghe các tác phẩm sách nói được phát hàng ngày tại Nhà Thiếu nhi chia sẻ: Tôi thích nghe sách nói của Nhà Thiếu nhi vì sự linh hoạt, vì nó không đòi hỏi bạn phải dán mắt vào một chỗ hoặc cầm cuốn sách trong thời gian đọc. Thay vào đó, trong quá trình nghe sách nói mình có thể làm những công việc nhẹ nhàng khác đồng thời qua các tác phẩm sách nói của nhà văn Đồng Nai viết về Đồng Nai còn có thể giúp tôi mở rộng kiến thức, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và trải nghiệm những điều thú vị. Còn em Trần Ngọc Minh học sinh lớp 10 trường THPT Nam Hà – thành phố Biên Hòa cũng rất hào hứng: Em rất thích nghe sách nói của Nhà Thiếu nhi thông qua các kênh fanpage, kênh youtube của Nhà Thiếu nhi vì việc nghe các câu chuyện, bài thơ của các tác giả Đồng Nai viết sẽ giúp em yêu thích thêm mảnh đất em sinh sống, sẽ giúp em dễ tiếp thu hơn là đọc; thông qua việc nghe sách nói em sẽ có cảm nhận tốt hơn bởi vừa được nghe đọc, vừa được lắng nghe âm nhạc, cảm xúc sẽ tốt hơn.

       Không chỉ dừng lại ở đó, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai còn đổi mới hội thi “Sách – Người bạn thân yêu” bằng cách khuyến khích các em ứng dụng công nghệ thông tin, quay và dựng video giới thiệu sách thay vì thi viết tay. Em Đoàn Ngọc Quỳnh Anh - Lớp 9/6 – Trường THCS Bùi Hữu Nghĩa – Thành phố Biên Hòa là một trong những thí sinh dự thi khẳng định: Hội thi đã giúp em tìm hiểu, ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm dựng phim, cách thức để quay clip, lên kịch bản….qua đó nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để truyền tải niềm đam mê đọc sách của mình và lan tỏa ý nghĩa văn hóa đọc trong lứa tuổi thanh thiếu nhi của chúng em.

      Năm 2021, hưởng ứng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai phối hợp cùng Hội đồng Đội tỉnh thực hiện ấn phẩm "Cùng nhau đi lên – Thiếu nhi Đồng Nai thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy". Để giúp các em tiếp cận dễ dàng hơn, bên cạnh việc phát hành sách in đến các thư viện trường học, Nhà Thiếu nhi còn chuyển thể các truyện ngắn trong ấn phẩm thành sách nói, đăng tải trên các trang Fanpage và cổng thông tin điện tử của Nhà Thiếu nhi, Tỉnh đoàn. Không chỉ vậy, một cuộc thi cảm nhận về sách cũng được tổ chức trực tuyến, thu hút sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh. Sự lan tỏa mạnh mẽ của ấn phẩm đã mang lại kết quả đáng tự hào khi được Hội đồng Đội Trung ương chọn là một trong những công trình tiêu biểu “Vì đàn em thân yêu” nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2021).

anh 5_2.jpg

      Còn nhớ vào mùa hè năm 2021 - một mùa hè đặc biệt đối với các em thiếu nhi khi đại dịch Covid-19 buộc mọi người phải thực hiện giãn cách xã hội. Trước bối cảnh đó, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai đã có những sáng kiến đầ​y ý nghĩa nhằm giúp các em tiếp cận văn hóa đọc, đặc biệt là thông qua hình thức sách nói – một phương tiện vừa hiện đại, vừa phù hợp với xu thế công nghệ 4.0.

      Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai tiếp tục mở rộng hoạt động giới thiệu sách bằng hình thức sách nói với các tác phẩm như “Mãi mãi thời áo trắng”, “Khi tôi dám ước mơ”, Đặc san “Nhà Thiếu nhi Đồng Nai – Nơi ươm mầm tài năng” chào mừng 40 năm thành lập Nhà Thiếu nhi (1976 - 2016). Các tác phẩm được thu âm, biên tập và đăng tải vào lúc 8h00 sáng các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần, giúp các em có cơ hội tiếp cận với kho tàng tri thức một cách thuận tiện, dễ dàng. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, các tác phẩm đã thu hút hàng nghìn lượt nghe và tương tác. Điển hình như “Mãi mãi thời áo trắng” đạt hơn 5.300 lượt nghe, “Cùng nhau đi lên” có hơn 3.200 lượt nghe, và “Khi tôi dám ước mơ” cũng ghi nhận hơn 4.000 lượt tiếp cận. Những con số này không chỉ minh chứng cho sức hút của sách nói mà còn phản ánh sự quan tâm và yêu thích của các em thiếu nhi đối với văn hóa đọc. Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo – Giáo viên Tổng phụ trách Đội trường THCS Bùi Hữu Nghĩa trong thời gian tham gia chống dịch đã thường xuyên nghe sách nói của Nhà Thiếu nhi và chuyển đến các em học sinh của trường cùng tham gia nghe các tác phẩm do Nhà Thiếu nhi chuyển thể rất thích thú với mô hình này. Chị Thảo nói: Thông qua việc thực hiện sách nói đã phát triển văn hoá đọc, nuôi dưỡng tình yêu văn học và kịp thời giúp các em được nghe những tác phẩm, được giải trí trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoài ra các tác phẩm được giới thiệu gần gũi với các em, giúp các em duy trì thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh.

anh 6_2.jpgBài dự thi giới thiệu sách của em Võ Ngọc Phương Nghi

– Trường THCS Trần Hưng Đạo – Thành phố Biên Hòa (ảnh chụp từ Clip dự thi)

      Không chỉ mang lại những phút giây thư giãn cho các em thiếu nhi, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất sách nói còn góp phần giáo dục, bồi dưỡng tình yêu quê hương, gia đình, bạn bè. Hơn thế nữa, dự án này đã khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số, giúp các em không chỉ tiếp cận sách theo cách truyền thống mà còn có thể thưởng thức tri thức theo nhiều hình thức linh hoạt, hiện đại.

      Dịch bệnh có thể làm gián đoạn nhiều hoạt động, nhưng tình yêu sách và tri thức vẫn luôn được duy trì và phát triển. Những nỗ lực của Nhà Thiếu nhi Đồng Nai đã thắp lên ngọn lửa đam mê đọc sách trong lòng thiếu nhi, tạo động lực để các em tiếp tục khám phá thế giới qua từng trang sách, dù là trên giấy hay qua những âm thanh đầy cảm xúc từ sách nói.​

      Kỳ 3:  THAY ĐỔI ĐỂ THEO KỊP XU THẾ

      Việc đổi mới, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Nhà Thiếu nhi Đồng Nai đang mở ra những hướng đi mới, giúp thiếu nhi tiếp cận công nghệ, phát huy động lực sáng tạo. Trong tương lai, Nhà Thiếu nhi sẽ tiếp tục đổi mới, tăng cường ứng dụng số, nhằm mang đến nhiều giá trị hữu ích hơn cho thiếu nhi Đồng Nai.

       Bên cạnh tổ chức các hoạt động, hội thi có ứng dụng, lồng ghép quá trình chuyển đổi số, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai còn triển khai các lớp tập huấn về kỹ năng số, giúp các em làm quen với công nghệ thông tin và truyền thông. Thông qua các lớp tập huấn này, thiếu nhi được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự tin tham gia vào môi trường số hóa hiện nay. Anh Trương Hải Thi- Giám đốc Nhà Thiếu nhi Đồng Nai cho biết: Điểm mới của các cuộc thi ứng dụng công nghệ thông tin hay phần mềm Canva, AI thì luôn luôn mời các chuyên gia tập huấn để các em có tư duy tham gia các cuộc thi. Điều này giúp các em nắm vững kiến thức về công nghệ và khơi dậy khả năng sáng tạo… tìm hiểu kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, giúp các em thể hiện được cá tính, kỹ năng của mình. Ngoài ra, việc chuyển đổi các hoạt động truyền thống sang nền tảng số cũng được đẩy mạnh. Các chương trình, cuộc thi và hoạt động giáo dục được tổ chức trực tuyến, tạo điều kiện cho các em tham gia một cách linh hoạt và thuận tiện hơn. Nhà văn Nguyễn Thái Hải – người cùng đồng hành với Nhà Thiếu nhi trong các kỳ trại và tham gia Ban Giám khảo các cuộc thi trực tuyến đã nhận định: Việc các em sử dụng mạng xã hội một cách thông minh để tìm kiếm, chắt lọc thông tin cho bài dự thi của mình đạt hiệu quả cao nhất, thu hút người xem, người nghe để bình chọn là một sự năng động, sáng tạo. Nói về định hướng sắp tới, Anh Trương Hải Thi – Giám đốc Nhà Thiếu nhi khẳng định: Nhà Thiếu nhi sẽ thiết kế các nội dung, trong đó mở lớp tập huấn cho đội chuyên tin học của Nhà Thiếu nhi về AI, trí tuệ nhân tạo… thu hút đông thiếu nhi kể cả các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa cũng được tham gia. Tổ chức các lớp học tạo ra các sản phẩm chuyển đổi số trong ứng dụng Công nghệ thông tin, phục vụ cho việc học tập, học năng khiếu cho Nhà Thiếu nhi. Ngoài ra, trong dịp hè năm 2025, Nhà Thiếu nhi sẽ tổ chức cho các em lớp rèn luyện Kỹ năng sống khám phá thế giới công nghệ thông qua việc các em được dạy cách lắp ráp robot, tham gia học STEM - Robotics kết hợp kỹ năng sống giúp các em vừa được tiếp cận với công nghệ hiện đại, vừa rèn luyện sự kiên trì, sáng tạo và tự tin.

anh 7_2.jpg

Thí sinh tham gia hoạt động của Nhà Thiếu nhi sẽ quét mã Qr để đăng ký dự thi

      Chuyển đổi số tại Nhà Thiếu nhi Đồng Nai không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý mà còn tạo ra một môi trường học tập và vui chơi hiện đại, hấp dẫn hơn cho các em nhỏ. Với sự đầu tư đúng đắn và chiến lược hợp lý, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai hoàn toàn có thể trở thành mô hình tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục và phát triển kỹ năng cho thế hệ trẻ. Ông Nguyễn Minh Kiên – Bí thư Tỉnh đoàn mong muốn Nhà Thiếu nhi tỉnh phải đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn và nghiên cứu những điều kiện cần thiết để tổ chức tốt các hoạt động, cụ thể: cần phải tích hợp công nghệ vào quy trình giảng dạy từ đó tạo ra môi trường học tập tương tác và hấp dẫn hơn; đẩy mạnh phát triển kỹ năng số cho giáo viên và học sinh thông qua việc tập huấn việc sử dụng công nghệ giúp thầy cô và học sinh làm quen và phát triển kỹ năng số; thực hiện ngay việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giảng dạy, việc tận dụng AI trong giáo dục giúp nâng cao hiệu quả học tập và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh; thường xuyên hợp tác giữa các đối tác liên quan trong việc phối hợp tổ chức hoạt động giữa Nhà Thiếu nhi với các trung tâm trí tuệ nhân tạo của các trường Đại học trên địa bàn tỉnh để từ đó tạo hứng thú cho các em thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt và thực tập.

      Từ đầu năm 2025. Nhà Thiếu nhi đã từng bước hoạch định cũng như chấp nhận sự thay đổi và đổi mới trong từng hoạt động, điều đó khẳng định rõ cho phụ huynh và học sinh nhận thấy được sự tiến bộ trong môi trường tìm kiếm và đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cho các em học sinh.

anh 8_2.jpg
Một buổi học STEM - Robotics kết hợp kỹ năng sống

      ​Thành công của Nhà Thiếu nhi Đồng Nai là minh chứng rõ ràng cho việc chuyển đổi số không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn là yêu cầu quan trọng đối với các đơn vị giáo dục, văn hóa. Nhà Thiếu nhi Đồng Nai không chỉ là điểm sáng về hoạt động dành cho thiếu nhi mà còn là hình mẫu về chuyển đổi số. Những nỗ lực của đơn vị này đã tạo ra giá trị thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và văn hóa cho thế hệ trẻ, hướng tới một tương lai số hóa hiệu quả và bền vững theo đúng tinh thần và mục tiêu của Việt Nam đã đề ra./.


     Tác giả: Đăng Khoa

      Đơn vị: Nhà Thiếu nhi tỉnh Đồng Nai

      Số điện thoại liên lạc: 0918.332534​

Hình ảnh hoạt động

Lượt truy cập